Mổ sỏi thận qua da hay tán sỏi thận qua da là một phương pháp điều trị mới đang được ứng dụng rộng rãi trong việc điều trị sỏi thận; thông qua một đường hầm nhỏ từ ngoài vào thận, sỏi thận sẽ được phá vỡ bằng năng lượng Laser và được đào thải ra ngoài qua đường hầm.
Tán sỏi thận qua da
Nội dung cần lưu ý
1. Mổ sỏi thận qua da là gì?
– Mổ sỏi thận qua da là một cụm từ mà người bệnh hay tìm kiếm, thuật ngữ chuyên ngành chính là tán sỏi thận qua da – đây là phương pháp nội soi đặc biệt; bác sĩ sẽ chọc một đường hầm vào thận và tán sỏi thận nội soi thông qua đường hầm đó. Viên sỏi sẽ được phá vỡ bằng năng lượng Laser, sỏi vụn sẽ được đào thải qua đường hầm.
Mổ sỏi thận qua da là gì?
Phương pháp tán sỏi thận qua da là một phương pháp mới được triển khai ở Việt Nam. Thuật ngữ tán sỏi thận qua da thì không còn xa lạ với các bác sĩ chuyên ngành tiết niệu. Tuy nhiên với người dân thì họ vẫn còn khá xa lại với thuật ngữ tán sỏi thận qua da. Đó chính là lý do vì sao cụm từ tìm kiếm “mổ sỏi thận qua da là gì” lại xuất hiện với khoảng 550.000 kết quả trong 0.40 giây; trong khi cụm từ tìm kiếm “tán sỏi thận qua da là gì” chỉ xuất hiện khoảng 386.000 kết quả trong 0.57 giây.
Trong quá trình thực hành lâm sàng, bản thân tôi cũng gặp nhiều bệnh nhân còn bị nhầm lẫn giữa phương pháp tán sỏi qua da và phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Chính vì vậy tôi viết bài này cũng nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương pháp tán sỏi thận qua da với nhiều ưu việt này.
2. Ưu điểm của tán sỏi thận qua da
– Điều trị được các trường hợp sỏi lớn hoặc phức tạp bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu
– Thời gian nằm viện là 2-4 ngày và thời gian hồi phục rất ngắn không đáng kể so với các phương pháp phẫu thuật truyền thống
– Bệnh nhân ít đau hơn nên có thể nhanh chóng trở lại làm việc
– Đảm bảo tính thẩm mỹ cao,vết mổ chỉ 1cm nên hầu như không để lại sẹo sau phẫu thuật
– Giảm tình trạng nhiễm trùng sau mổ so với phương pháp mổ hở thông thường
– Giảm tỷ lệ sót sỏi sau mổ
– Chăm sóc sau mổ trở nên nhẹ nhàng hơn.
– Bảo tồn được chức năng của thận, ít ảnh hưởng tới nhu mô thận. Các nghiên cứu cho thấy, với mổ mở sỏi thận san hô có thể ảnh hưởng tới 30% chức năng thận. Nhưng khi tán sỏi nội soi qua da thì chỉ ảnh hưởng tới < 1% chức năng thận
3. Nhược điểm của tán sỏi thận qua da
– Tán sỏi qua da là phương pháp mới, chi phí phẫu thuật còn tương đối cao so với các phương pháp khác
– Là một kỹ thuật cao, đòi hỏi bác sĩ cần được đào tạo bài bản, đòi hỏi kinh nghiệm của phẫu thuật viên
– Cần trang bị máy tán sỏi Laser công suất lớn
– Cẩn chuẩn bị bệnh nhân trước mổ kỹ lưỡng, đánh giá toàn trạng tốt, nuôi cấy vi khuẩn trước mổ
4. Quy trình nội soi tán sỏi thận qua da
– Trước khi bệnh nhân được thực hiện nội soi tán sỏi thận qua da thì quá trình chuẩn bị bệnh nhân trước mổ là hết sức quan trọng. Khi chuẩn bị bệnh nhân tốt thì tỷ lệ thành công sẽ cao lên.
– Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ trong tán sỏi thận qua da có một số điểm cần lưu ý hơn so với các phương pháp khác như:
+ Kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu. Cần hiểu rằng sỏi tiết niệu chính là nơi vi khuẩn bám vào, là môi trường của vi khuẩn phát triển nếu không điều trị và kiểm soát tốt thì sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm trong quá trình tán sỏi.
+ Trong tán sỏi thận qua da, biến chứng sốc nhiễm khuẩn là biến chứngđáng sợ đối với các phẫu thuật viên, chính vì thế 100% bệnh nhân trước mổ đều nên cấy nước tiểu và điều trị kháng sinh trước mổ. Những trường hợp sỏi thận gây ứ nước, ứ mủ nhiều, có thể cần đặt JJ tháo mủ trước 1 tuần rồi mới tiến hành phẫu thuật
– Quy trình chính khi làm tán sỏi thận qua da bao gồm:
+ Vô cảm: Tùy vào kỹ thuật có thể làm gây tê tủy sống khi tán sỏi qua da tư thế nằm nghiêng hoặc gây mê nội khí quản khi tán sỏi qua da tư thế nằm sấp
* Thì 1: Đặt Catheter niệu quản – bể thận ngược dòng
+ Bệnh nhân nằm ngửa tư thế sản khoa
+ Nội soi vào bàng quang, luồn Guide wire lên niệu quản bên sỏi, tiến hành đặt Catheter niệu quản
+ Đặt sonde tiểu, cố định vào Catheter
Mục đích của thì 1 – Đặt catheter niệu quản để tránh sỏi tán sẽ rơi xuống gây tắc nghẽn niệu quản và có thể bơm chất chỉ điểm qua catheter trong thì chọc dò vào sỏi giúp thuận lợi trong quá trình chọc dò, xác định vị trí sỏi
* Thì 2: Tán sỏi thận qua da
+ Siêu âm hoặc C-arm để xác định vị trí sỏi, xác định vị trí chọc dò, hướng chọc dò thuận lợi
+ Dùng kim chọc dò chọc dò vào sỏi hoặc vào bể thận. Xác định chính xác quá trình chọc dò khi có cảm giác chạm sỏi (với sỏi lớn) hoặc có nước tiểu ra theo kim chọc dò.
+ Khi đã chắc chắn chọc dò chính xác thì luồn Guidewire và nong thận theo các mức tăng dần –> Đặt Amlar
+ Bơm nước và nội soi vào thận
+ Thấy sỏi thận rồi tán sỏi bằng năng lượng Laser hoặc siêu âm hoặc xung hơi..
+ Bơm lấy sỏi vụn qua đường hầm amlar
+ Kiểm tra sạch sỏi
+ Đặt JJ xuôi dòng
+ Đặt sonde dẫn lưu thận, cố định sonde
Hiện nay tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (người bệnh vẫn hay trao đổi với nhau là mổ sỏi thận qua da) là một phương pháp ưu việt, được nhiều trung tâm lớn triển khai thường quy. Có nhiều trường phái và nhiều quan điểm khác nhau khi thực hiện phương pháp này: Có trung tâm thì mổ theo phương pháp nằm sấp; có trưng tâm mổ theo phương pháp nằm nghiêng; có trung tâm sử dụng C-Arm; có trung tâm sử dụng siêu âm trong việc định vị sỏi. Theo quan điểm của tôi thì phương pháp gây tê tủy sống, bệnh nhân tư thế nằm nghiêng, sử dụng siêu âm định vị là phương pháp có nhiều ưu điểm hơn cả (phương pháp này do PGS.TS Đỗ Trường Thành – Trưởng khoa phẫu thuật tiết niệu Bệnh viện Việt Đức áp dụng, thực hiện đầu tiên ở Việt Nam; đã báo cáo nhiều tại Hội nghị Thận học tiết niệu Việt Nam).
5. Những lưu ý sau tán sỏi thận qua da
– Mặc dù tán sỏi thận qua da là phương pháp ưu việt trong việc loại bỏ sỏi thận ra khỏi cơ thể; tuy nhiên bất kỳ phương pháp can thiệp nào cùng đều có những nguy cơ, rủi ro và cùng đều cần theo dõi sỏi mổ. Riêng đối với những bệnh nhân được thực hiện tán sỏi thận qua da thì có những điểm riêng cần lưu ý như sau:
* Theo dõi thời gian sớm sau mổ cần lưu ý
– Theo dõi các dấu hiệu toàn trạng: Mạch, huyết áp, nhiệt độ – Những vấn đề này thì nhân viên y tế sẽ giúp người nhà theo dõi bằng các chỉ sổ. Tuy nhiên, trong môi trường bệnh viện hiện nay lượng bệnh nhân rất đông, người nhà cũng cần chủ động theo dõi khi có các dấu hiệu bất thường – đặc biệt là dấu hiệu sốt rét run sau tán sỏi thận qua da – coi chừng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng…
– Theo dõi lượng nước tiểu qua sonde tiểu, lượng dịch qua sonde dân lưu thận. Nếu nước tiểu và dịch qua sonde dẫn lưu đỏ nhiều thì cần báo bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ trực buồng (cần lưu ý biến chứng tổn thương mạch máu lớn trong tán sỏi thận qua da)
* Theo dõi trong thời gian sau tán sỏi
– Các dấu hiệu nhiễm khuẩn, dấu hiệu đái máu. Một số ít trường hợp xuất hiện đái máu dai dẳng, đái máu nhiều sau tán sỏi thận qua da có liên quan tới thông động tĩnh mạch thận; giả phình động mạch thận sau tán sỏi thận qua da.
Website Soitietnieu.com được xây dựng và quản lý bởi Bs Mai Văn Lực. Chúng tôi hỗ trợ khám và điều trị các bệnh lý Ngoại khoa tiết niệu tại các bệnh viện uy tín do các bác sĩ giỏi, giáo sư đầu ngành trực tiếp khám và điều trị.
Liên hệ: 0984 260 391 -
0886 999 115