Sỏi thận là bệnh lý đường tiết niệu phổ biến ở Việt Nam. Sỏi thận hình thành khi nước tiểu lắng cặn, khiến các khoáng chất kết dính lại với nhau. Sỏi thận có thể gây nhiều biến chứng nặng nề như ứ nước, ứ mủ, suy thận, nhiễm trùng, thậm chí tử vong và rất hay tái phát. Vậy khám và điều trị sỏi thận như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Đau vùng hông lưng là dấu hiệu sớm phát hiện sỏi thận
1. Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là những tinh thể rắn hình thành trong thận từ các chất trong nước tiểu. Quá trình này được gọi là quá trình tạo sỏi thận. Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao. Khi có một trong hai hoặc cả hai hiện tượng trên kéo dài trong nhiều ngày sẽ có nguy cơ hình thành sỏi thận. Sỏi thận có thể nhỏ hoặc lớn đến vài cm, và có thể nằm ở nhiều vị trí khác nhau trong đường tiết niệu. Bệnh sỏi thận có nhiều nguyên nhân và có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiết niệu, từ thận đến bàng quang.
2. Dấu hiệu cần đi khám sỏi thận
Sỏi thận là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam, triệu chứng lâm sàng cũng rất đa dạng. Có những trường hợp sỏi thận được phát hiện tình cờ khi đi siêu âm, khi đi khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên sỏi thận cũng có nhiều dấu hiệu gợi ý. Khi bạn có các dấu hiệu như bên dưới thì cần đi khám để phát hiện sớm sỏi thận và điều trị sớm để mang lại hiệu quả, sức khỏe cho bản thân.
2.1. Đau lưng, đau vùng mạn sườn thắt lưng
Niệu quản là đường dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang. Khi sỏi được hình thành ở đây sẽ gây ra sự cọ xát hoặc tắc ứ nước tiểu dẫn tới triệu chứng đau ở lưng, đau có thể lan ra phía bụng dưới, mạn sườn và bắp đùi. Đây là triệu chứng hay gặp nhất, chiếm trên 90% số người mắc sỏi thận, đây cũng là lý do chính khiến chúng ta phải đi khám bệnh.
Đau biểu hiện 2 mức độ
✔ Đau cấp tính: điển hình là cơn đau quặn thận, cơn đau xuất hiện đột ngột sau lao động và vận động, vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng, tính chất đau là đau dữ dội từng cơn đau lan xuống vùng bẹn sinh dục không có tư thế giảm đau. Thông thường sỏi thận ít khi gây nên cơn đau quặn thận – cơn đau cấp tính. Chỉ một số ít trường hợp sỏi thận di chuyển gây tắc nghẽn bể thận niệu quản sẽ gây nên cơn đau cấp tính.
✔ Đau mạn tính: luôn có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), tính chất đau tăng khi vận động. Loại đau này thường gặp ở người có sỏi thận mà sỏi gây bít tắc không hoàn toàn.
2.2. Đau khi đi tiểu
Sỏi thận di chuyển từ niệu quản tới bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo (đoạn cuối cùng trước khi tống nước tiểu ra ngoài) sẽ gây đau thậm chí đau buốt khi đi tiểu.
2.3. Tiểu ra máu
Sự cọ xát của sỏi khi nó di chuyển dẫn tới những tổn thương. Đây được xem như triệu chứng hay gặp của bệnh sỏi thận. Tùy vào những tổn thương mà biểu hiện tiểu ra máu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc phải quan sát trên kính hiển vi mới thấy được.
2.4. Tiểu ra mủ
Có thể tiểu đục toàn bãi, thường xuất hiện ở những người thận ứ mủ.
2.5. Tiểu dắt, tiểu són
Khi sỏi ở niệu quản hay bàng quang, người bệnh sẽ có cảm giác buồn đi tiểu và rất hay đi tiểu tuy nhiên, lượng nước tiểu lại rất ít. Điều này khiến cho cơ thể cảm thấy bị mệt mỏi. Đặc biệt khi sỏi ở niệu quản và gây tắc, nước tiểu không xuống được bàng quang và ứ tại thận gây ra những cơn đau quặn thận.
2.6. Cảm giác buồn nôn và nôn
Thận và ruột có liên quan tới nhau qua các dây thần kinh. Khi bị sỏi thận có thể gây ra những ảnh hưởng tới đường tiêu hóa và khiến bạn bị buồn nôn và thậm chí là nôn.
2.7. Sốt và cảm giác ớn lạnh
Bệnh sỏi thận rất dễ dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu. Bởi khi sỏi di chuyển gây ra những tổn thương hoặc sỏi gây tắc, nước tiểu không thể tống được ra ngoài. Tất cả những điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ngược dòng.
3. Nguyên nhân gây sỏi thận
3.1. Sử dụng thuốc tùy tiện
Việc tự kê đơn, sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ có thể dẫn tới bệnh sỏi thận. Theo thống kê của các chuyên gia tại Anh quốc cho thấy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Một số nhóm kháng sinh được nhắc tới như: Cephalosporin, Penicillin…
3.2. Chế độ ăn uống không hợp lý
Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ làm tăng thể tích tuần hoàn điều này đồng nghĩa các chất khoáng được lọc qua thận nhiều hơn làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
3.3. Thói quen uống ít nước
Khi lượng nước đưa vào cơ thể quá ít, không đủ để thận lọc và đào thải ra ngoài điều này làm cho nước tiểu trở nên đậm đặc, tạo điều kiện cho các chất khoáng kết tinh lại và gây bệnh sỏi thận.
Thói quen uống ít nước làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận
3.4. Mất ngủ kéo dài
Mô thận sẽ có khả năng tự tái tạo tổn thương khi cơ thể chìm vào giấc ngủ. Do đó, khi bạn bị mất ngủ kéo dài thì chức năng này sẽ không được thực hiện, càng để lâu thì nguy cơ dẫn tới sỏi thận càng tăng.
3.5. Nhịn tiểu
Việc nhịn tiểu thường xuyên khiến các chất khoáng không được đào thải mà dẫn đến sự lắng đọng. Khi lượng calci tích tụ lại đủ lớn sẽ hình thành sỏi trong thận.
3.6. Dị dạng đường tiết niệu
Do sự dị dạng của đường tiết niệu khiến cho nước tiểu không thể thoát ra được, mà tích trữ đọng lại, lâu dần tạo thành sỏi thận.
Những người bị u xơ tiền liệt tuyến, u xơ trong bàng quang, những khối u chèn ép hệ tiết niệu làm cho nước tiểu bị đọng lại làm tang nguy cơ mắc sỏi thận.
3.7. Tăng bất thường canxi trong máu
Do canxi huyết tăng cao khiến canxi niệu cũng tăng; hoặc u bướu ở tuyến giáp làm rối loạn tuyến chuyển hóa canxi; hay có thể do viêm nhiễm mãn tính.
Nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi:
Tình trạng nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy canxi niệu tăng rất cao làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Giảm citrat niệu:
Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ kali máu thì thường citrat niệu giảm. Khi thiếu citrat nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh tạo thành sỏi niệu quản.
Nước tiểu bị quá bão hòa về oxalat:
Ăn các thức ăn như rau chút chít, đại hoàng hoặc trong trường hợp ngộ độc vitamin C sẽ dẫn đến tăng nồng độ oxalat trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi oxalat.
3.8. Một số nguyên nhân khác
Bị chấn thương nặng không thể đi lại mà chỉ nằm một chỗ, khiến nước tiểu ứ đọng, không được thải ra hết mỗi lần đi tiểu.
Những trường hợp yếu liệt, di chứng liệt nửa người sau tai biến mạch não, giảm vận động… gây nên tăng lắng đọng cặn sỏi, hình thành sỏi thận.
Các tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu do vệ sinh bộ phận sinh dục kém làm ứ mủ, lắng đọng các chất bài tiết trong cơ thể dẫn đến hình thành sỏi thận.
4. Khám sỏi thận như thế nào?
Một bệnh nhân có các dấu hiệu nghi bị sỏi thận khi tới các cơ sở y tế sẽ được các bác sĩ thăm khám cẩn thận: Hỏi bệnh, khám lâm sàng và làm một số cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh.
4.1. Hỏi bệnh và khám lâm sàng
– Hỏi các dấu hiệu nghi do sỏi gây nên: Dấu hiệu đau tức vùng thắt lưng, đặc điểm cơn đau; dấu hiệu sốt rét run – do sỏi ứ mủ, sỏi nhiễm trùng gây nên; dấu hiệu đi tiểu buốt do nhiễm trùng; dấu hiệu tiểu ít do sỏi gây tắc nghẽn có tình trạng suy thận…
– Khám dấu hiệu thận to, dấu hiệu chạm thận trong những trường hợp sỏi thận ứ nước
– Khám dấu hiệu phù, dấu hiệu tiểu ít do suy thận
– Khám xem có khối vùng thận, sẹo mổ tiết niệu cũ hay không
– Khám các bệnh lý toàn thân khác.
4.2. Cận lâm sàng
– Siêu âm hệ tiết niệu là biện pháp đơn giản, đầu tiên giúp phát hiện sỏi thận
– Chụp X-quang hệ tiết niệu để phát hiện sỏi cản quang
– Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu
– Chụp CLVT hệ tiết niệu trong những trường hợp sỏi khó
5. Điều trị sỏi thận như thế nào?
Khi có những dấu hiệu nào thì các bạn cần tới bệnh viện, phòng khám chuyên khoa để có thể kịp thời điều trị và tránh các biến chứng của sỏi thận? Khi sỏi thận kèm theo đau tức hông lưng, buồn nôn, mệt nhiều, sốt rét run, đái ra máu, đái ra mủ,… là những dấu hiệu sớm gợi ý các biến chứng của sỏi thận. Chúng ta cần tới bệnh viện, phòng khám chuyên khoa khám để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng sỏi thận.
Điều trị sỏi thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như kích thước và số lượng, vị trí của những sỏi và liệu có xảy ra nhiễm trùng hay không. Hầu hết những trường hợp sỏi thận nhỏ có thể đi tiểu ra tự nhiên mà không cần sự giúp đỡ của bác sĩ. Cách đơn giản nhất để điều trị sỏi thận nhỏ là uống nhiều nước để cơ thể tự thải ra.
Nếu viên sỏi thận không thể tự thải ra ngoài, bạn phải đến bệnh viện để tiến hành các phương pháp chữa trị khác bao gồm
5.1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa sỏi thận, sỏi đường tiết niệu bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị tống sỏi. Điều trị triệu chứng trong các trường hợp bệnh nhân đang có các tình trạng nhiễm khuẩn nặng, tình trạng bệnh lý phối hợp nặng… chưa đủ điều kiện can thiệp ngoại khoa. Điều trị nội khoa tích cực tống sỏi trong các trường hợp sỏi chưa gây biến chứng, có khả năng điều trị tống sỏi thành công. Đối với kích thước viên sỏi nhỏ hoặc giai đoạn đầu của bệnh sỏi thận, các bác sĩ có thể cân nhắc tới hướng điều trị nội khoa. Đây được xem như là phương pháp khá an toàn, phù hợp với đại đa số người bệnh và còn đem lại sự hiệu quả trong điều trị. Để đạt được điều đó cần phải có sự kết hợp các giữa yêu cầu khi sử dụng thuốc như: Tăng khả năng bào mòn sỏi, rút ngắn thời gian điều trị. Tăng lượng nước tiểu qua thận để giúp đưa sỏi ra ngoài dễ dàng hơn. Chống viêm, chống nhiễm khuẩn, ngăn ngừa biến chứng.
Xem thêm:
– Thuốc điều trị sỏi tiết niệu
– Chẩn đoán và điều trị nội khoa sỏi thận, sỏi tiết niệu
5.2. Điều trị ngoại khoa
Các bác sĩ sẽ cân nhắc tới hướng điều trị ngoại khoa, lấy sỏi ra ngoài, khi kích thước sỏi quá lớn gây ra những tổn thương và biến chứng nghiêm trọng, cần được cấp cứu tức thời. Hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại được sử dụng như: Nội soi tán sỏi qua da mà không cần mổ, tán sỏi nội soi, mổ nội soi…
Xem thêm:
– Hướng dẫn điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu
– Phương pháp tán sỏi nội soi qua đường niệu đạo
– Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi
– Những phương pháp điều trị sỏi tiết niệu
Hy vọng thông qua bài viết này đã cung cấp thêm cho bạn đọc những kiến thức bổ ích giúp bạn trả lời câu hỏi khám và điều trị sỏi thận như thế nào? Chúc các bạn luôn khỏe mạnh.
Website Soitietnieu.com được xây dựng và quản lý bởi Bs Mai Văn Lực. Chúng tôi hỗ trợ khám và điều trị các bệnh lý Ngoại khoa tiết niệu tại các bệnh viện uy tín do các bác sĩ giỏi, giáo sư đầu ngành trực tiếp khám và điều trị.
Liên hệ: 0984 260 391 - 0886 999 115