Tán sỏi ngoài cơ thể: Chỉ định, chống chỉ định, chi phí

Tán sỏi ngoài cơ thể là một phương pháp không xâm lấn, an toàn, ít gây sang chấn, được áp dụng khá rộng rãi với những ưu điểm vượt trội, mang lại hiệu quả điều trị cao. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể: chỉ định, chống chỉ định, chi phí và những vấn đề khác bạn đọc cần quan tâm. 

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Nội dung cần lưu ý

1.Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?

– Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp sử dụng máy tán sỏi điều khiển bằng máy tính và màn hình kĩ thuật số; phối hợp điện quang và siêu âm, định vị theo không gian ba chiều. Máy sẽ phát ra sóng xung kích hội tụ tập trung vào viên sỏi với một áp lực đủ để phá vỡ hoặc làm vụn sỏi thành bụi nhỏ. Sau đó khoảng 7- 10 ngày, các mảnh sỏi vụn sẽ tự thoát ra bên ngoài theo đường niệu cùng với nước tiểu.

– Quy trình trong khi tán sỏi: bệnh nhân được ăn uống nhẹ. Sau đó sẽ được giảm đau hoặc tiền mê; được hướng dẫn tư thế trên bàn tán sỏi rồi được sử dụng hệ thống định vị bằng điện quang để xác định vị trí sỏi. Trong quá trình tiến hành, bệnh nhân không hề bị bất kì một can thiệp nào khác vào cơ thể. Thời gian cho một lần tán sỏi thường kéo dài khoảng 30-45 phút. Sau đó, bệnh nhân nghỉ ngơi 15-20 phút rồi có thể về nhà mà không cần nằm viện.

– Một số loại máy tán sỏi ngoài cơ thể hiện nay được dùng: máy SDS5000 Plus do Hàn Quốc sản xuất; máy Holmiun Laser do Đức sản xuất; máy Delta 2 của công ty Dornier- Đức…

Ưu điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Ưu điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

2. Chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể trong những trường hợp nào?

Đa số các tác giả cho rằng tán sỏi ngoài cơ thể đạt hiệu quả tối ưu nhất với những trường hợp sỏi < 2cm. Hiện nay, xu hướng mở rộng chỉ định có thể làm tăng tỉ lệ các tai biến và biến chứng xảy ra trong và sau tán sỏi. Mọi chỉ định cần cân nhắc vào từng ca bệnh cụ thể để mang lại hiệu quả điều trị bệnh cho bệnh nhân; hạn chế tối đa các sang chấn cho người bệnh do quá trình điều trị gây ra.

Xem thêm: Kidney Stone Treatment: Shock Wave Lithotripsy

Trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định điều trị tán sỏi ngoài cơ thể nếu như kích thước sỏi phù hợp; độ cứng của sỏi; vị trí của sỏi (không bị cản trở bởi xương); phụ thuộc vào khả năng vỡ vụn sỏi. 

Việc chỉ định điều trị phụ thuộc vào:

2.1. Kích thước của viên sỏi

✔    Sỏi < 0.5cm khi chưa có triệu chứng rõ thì chưa cần can thiệp, chỉ điều trị nội khoa

✔    Sỏi < 2cm: phương pháp đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

✔   Sỏi > 2cm, cần cân nhắc tùy trường hợp cụ thể: Với những trường hợp sỏi lớn thì tán sỏi ngoài cơ thể thường ít hiệu quả; thường phải kết hợp tán sỏi ngoài cơ thể với lấy sỏi qua da hay nội soi lấy sỏi ngược dòng để tăng hiệu quả điều trị hết sỏi của phương pháp. Thông thường thì có thể tán sỏi ngoài cơ thể hỗ trợ trong trường hợp sót sỏi sau tán sỏi qua da. 

2.2 Vị trí sỏi

✔    Sỏi bể thận dễ vỡ nhất

✔    Sỏi đài trên và đài giữa cho hiệu quả 75-80%, sỏi đài dưới chỉ 60%

✔    Sỏi niệu quản tán phần trên dễ vỡ hơn phần dưới. Sỏi niệu quản đoạn chậu thì không tán ngoài cơ thể được, do vướng khung xương. Mặt khác vị trí sỏi niệu quản đoạn chậu thì phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng có nhiều ưu thế hơn. 

Vị trí sỏi là một yếu tố quan trọng khi quyết định phương pháp điều trị cho bệnh nhân

2.3. Thành phần hóa học của sỏi (độ cứng của sỏi)

Đây là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của tán sỏi ngoài cơ thể

✔     Sỏi tán khó: Cystin( quá rắn), hay Calculmus( quá mềm)

✔    Sỏi Struvite: tuy dễ tán nhưng dễ gây nhiễm khuẩn và tỉ lệ tái phát cao

✔    Sỏi oxalat calci, acid uric: khá dễ tán

Thông thường thì yếu tố này có thể đánh giá sơ bộ qua hình ảnh chụp phim X-quang hệ tiết niệu. Hình ảnh sỏi cản quang càng nhiều thì tương ứng với độ cứng của sỏi sẽ lớn hơn, sẽ khó phá vỡ hơn bằng tán sỏi ngoài cơ thể. 

2.4. Số lượng sỏi

✔    Đa số tác giả chọn nên tán sỏi với trường hợp không quá 3 viên, tốt nhất là 1-2 viên

✔   Trường hợp quá nhiều sỏi sẽ phải tán nhiều lần, tỉ lệ tai biến và biến chứng cũng tăng

Với trường hợp nhiều viên sỏi, khi tán sỏi ngoài cơ thể thì khả năng nhiều mảnh sỏi rơi xuống sẽ gây tắc nghẽn niệu quản. Khi đó bác sĩ có thể phải làm thêm phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi, đặt JJ cho bệnh nhân. 

2.5. Sỏi chưa có biến chứng

Bệnh nhân có sỏi nhưng không có các biến chứng: nhiễm khuẩn tiết niệu (đái máu, đái buốt,…), nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp…

2.6. Tán sỏi sau một số phương pháp khác

✔   Sỏi sót hay tái phát sau phẫu thuật

✔   Những mảnh sỏi còn lại sau lấy sỏi qua da

✔   Sỏi trôi lên thận trong các trường hợp nội soi tán sỏi ngược dòng sỏi niệu quản đoạn cao

2.7. Điều kiện bắt buộc

Bệnh nhân không có các bệnh lí khác ở thận như: u thận; lao thận; vôi hóa động mạch thận; chức năng thận còn tốt để đẩy mạnh vụn sỏi sau thủ thuật.

3. Chống chỉ định của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

✔    Phụ nữ có thai

✔    Bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn tiết niệu cấp tính

✔    Bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn huyết

✔    Bệnh nhân đang có rối loạn đông máu chưa được điều trị ổn định

✔    Bệnh nhân đang có tắc nghẽn dưới viên sỏi: Hẹp niệu quản, dị dạng niệu quản…

✔    Bệnh nhân suy gan, suy thận nặng hay các bệnh toàn thân nặng khác

✔   Một số trường hợp có chống chỉ định nhưng vẫn có thể cân nhắc sử dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể: dị dạng cột sống; thận lạc chỗ, thận móng ngựa, hẹp khúc nối niệu quản- bể thận; tăng huyết áp chưa được điều trị ổn định; trạng thái tinh thần không ổn định; thể trạng quá béo…

4. Có thể gặp tai biến và biến chứng gì khi điều trị tán sỏi ngoài cơ thể

✔    Tắc đường niệu (do mảnh vỡ quá to hay mảnh sỏi vụn bị ứ lại tạo nên cột cát gây tắc) với tỉ lệ 15%, có thể hạn chế tai biến này bằng cách đặt sonde Double J

✔    Đau quặn thận: với tỉ lệ 10-15%

✔   Tụ máu tại thận: tổn thương nhu mô từ nhẹ (đái máu sau tán) tới nặng( tụ máu dưới vỏ, tụ máu trong nhu mô); thường thì khỏi sau 1 tuần, ít trường hợp cần can thiệp xử trí

✔   Thay đổi chức năng tổn thương ống thận, cầu thận: thường nhẹ, biểu hiện bằng các bất thường trên xét nghiệm cận lâm sàng; thường hồi phục sau 1 tuần

✔    Tăng huyết áp: có thể là một biến chứng muộn của tán sỏi ngoài cơ thể

✔    Tổn thương cơ quan lân cận: xuất huyết, tụ máu dưới da,tụ máu thành ruột, tổn thương tại phổi,…

✔    Nhiễm khuẩn tiết niệu: tỉ lệ 5%, đặc biệt với sỏi >2cm

✔    Sỏi tái phát: với tỉ lệ 6% sau 1 năm và sau 4 năm là 20% (theo Pearle và cs, 1999)

✔    Rối loạn nhịp tim, tăng mức độ ngoại tâm thu => không nên tán ở những bệnh nhân có ngoại tâm thu trước đó.

5. Chi phí điều trị tán sỏi ngoài cơ thể

Chi phí cho một lần điều trị khoảng từ 2- 4 triệu đồng. Tùy theo bệnh viện mà bệnh nhân điều trị là viện công hay viện tư; bênh nhân có tham gia bảo hiểm y tế hay không; dịch vụ máy móc sử dụng cho cuộc điều trị là gì? Nhìn chung, đây là một mức giá khá lý tưởng cho các dịch vụ y tế chất lượng cao hiện nay. Người bệnh có thể tuyệt đối an tâm vì nhân viên y tế sẽ tư vấn chi tiết về vấn đề này và giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến việc điều trị cho người bệnh.

✔    Chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán (dành cho bệnh nhân có tham gia bảo hiểm Y tế) gồm: phí thực hiện các dịch vụ xét nghiệm để phát hiện, chẩn đoán bệnh; chi phí trực tiếp (khoảng 2,3 triệu đồng); 1 số thuốc điều trị … tùy theo từng loại bảo hiểm mà người bệnh sẽ được hưởng mức hỗ trợ riêng.

✔    Chi phí ngoài bảo hiểm: Đây là một trong những phương pháp công nghệ cao mới nhất hiện nay nên chi phí thuê máy móc, vật tư tiêu hao, thuốc, dụng cụ ( sonde Double J,…) cần cho cuộc điều trị bằng phương pháp này chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ nên người bệnh phải tự chi trả. Một số cơ sở y tế công, hệ thống máy tán sỏi được trang bị theo nguồn vốn ngân sách (không phải thuê mượn) thì người bệnh sẽ không phải chi trả phần chi phí phát sinh này. 

✔     Chi phí sinh hoạt, đi lại

6. Những lưu ý trước, trong và sau điều trị

– Bệnh nhân cần đến thăm khám định kì tại các cơ sở y tế uy tín hoặc khám ngay khi có dấu hiệu sớm của sỏi tiết niệu: đau thắt lưng, hông; rối loạn tiểu tiện- đái buốt, đái rắt, đái khó, đái máu… 

– Bệnh nhân cần phối hợp điều trị và làm theo đúng chỉ dẫn của nhân viên y tế trước, trong và sau điều trị.

– Bệnh nhân cần được hướng dẫn tự theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng sau tán sỏi. Thông thường thì sau tán sỏi nước tiểu sẽ có màu hồng nhạt, có cặn vài lần trong ngày đầu sau tán.

– Đảm bảo chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lí để phòng ngừa tạo sỏi:

  • Uống đủ nước: Khoảng 2,5-3 lít nước / ngày
  • Hạn chế các yếu tố hình thành sỏi: khẩu phần ăn hạn chế thành phần calci, oxalat; hạn chế 1 số thuốc tăng lắng đọng Calci…
  • Tập luyện thể dục thể thao hợp lí.
  • Không nên nhịn tiểu lâu.
  • Khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm, triệt để nguyên nhân cũng như các bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu,…

Xem thêm:

Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ – mini PCNL

Phương pháp tán sỏi nội soi qua đường niệu đạo

Những phương pháp điều trị sỏi tiết niệu

Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi

Tán sỏi thận ống mềm

Website Soitietnieu.com được xây dựng và quản lý bởi Bs Mai Văn Lực. Chúng tôi hỗ trợ khám và điều trị các bệnh lý Ngoại khoa tiết niệu tại các bệnh viện uy tín do các bác sĩ giỏi, giáo sư đầu ngành trực tiếp khám và điều trị. 

Liên hệ:   0984 260 391 -   0886 999 115

9 thoughts on “Tán sỏi ngoài cơ thể: Chỉ định, chống chỉ định, chi phí

  1. Nam says:

    Em là nam 41 tuổi,1 viên sỏi 13mm 1/3 niệu quản trên và 1 viên 10mm trên thận thì tán theo pp ngoài cơ thể được ko ạ? ( đã tán qua da cách đây 3 năm), cảm ơn bác sỹ.

  2. kiên says:

    chào bác sỹ
    e là nam 33t hiện đang có 1 sỏi niệu quản trái 1/3 trên kt 7*15mm và 1 sỏi thận trái ở đài thận dưới kt 7*8mm
    siêu âm thận giãn nhẹ,đài bể thận giãn, nhu mô đều, phân biệt tuỳ – võ rõ
    vậy e nên tán sỏi theo phương pháp nào ạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *