Tán sỏi thận ống mềm là phương pháp được thực hiện để loại bỏ sỏi thận; sỏi đài thận, sỏi niệu quản đoạn cao… mà không tạo bất kỳ vết rạch nào trên cơ thể ; bằng cách sử dụng ống soi niệu quản mềm, linh hoạt. Dụng cụ ống mềm có kích thước chỉ bằng một nửa ngón tay út của bạn; ống soi mềm có thể chạm tới tất cả các viên sỏi ở các ngóc ngách của quả thận. Quá trình nội soi tán sỏi được thực hiện hoàn toàn qua đường tiểu; đường tiết niệu: Không có vết mổ; không đau; không chảy máu; giữ được chức năng thận tối đa; nhanh ra viện…
Đây là phương pháp điều trị sỏi thận kỹ thuật cao, đây là phương pháp được thực hiện ở một số bệnh viện tuyến đầu, đòi hỏi điều kiện trang thiết bị và yêu cầu một bác sĩ tiết niệu có trình độ chuyên môn trong việc sử dụng, điều khiển ống soi mềm.
1. Tán sỏi ống mềm được thực hiện như thế nào?
Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng một ống nội soi mềm nội soi ngược dòng từ niệu đạo –> bàng quang –> niệu quản –> thận để tìm sỏi và xử lý tán vụn sỏi bằng Laser rồi bơm rửa sỏi vụn ra ngoài. Ống nội soi mềm là ống soi có kích thước nhỏ với đường kính 9Fr; kênh làm việc 3,6Fr và có thể quay 270 độ theo cả hai hướng giúp tiếp cận tới hầu như tất cả các vị trí trong quả thận.
Tán sỏi thận nội soi bằng ống soi mềm là phương pháp an toàn, hiệu quả. Ngày nay, việc phát triển công nghệ, ống soi mềm đang ngày càng trở nên hữu dụng hơn, góc làm việc nhiều hơn, dễ thao tác, hình ảnh HD… Hiện nay, ở các quốc gia phát triển, tán sỏi ống mềm trở thành phương pháp ưu tiên đối với những trường hợp sỏi thận dưới 2cm.
2. Lợi ích của việc lựa chọn tán sỏi ống mềm
Có nhiều lợi ích khi lựa chọn tán sỏi ống mềm thay vì các phương pháp khác như: phẫu thuật mở; tán sỏi qua da; tán sỏi ngoài cơ thể; nội soi lấy sỏi… chẳng hạn như giải quyết vấn đề nhanh hơn, ít đau và thời gian hồi phục nhanh hơn nhiều.
Đây là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu và hiệu quản, thường được sử dụng trong các trường hợp khó xử lý khác, chẳng hạn như:
● Sỏi thận vừa và nhỏ (thường chỉ định với sỏi dưới 20mm)
● Sỏi thận còn sót sau phẫu thuật mổ mở, sau tán sỏi qua da
● Sỏi niệu quản đoạn cao, sử lý bằng ống cứng không hiệu quả
● Sỏi niệu quản di chuyển lên thận trong trường hợp tán sỏi ngược dòng bằng ống cứng; ống bán cứng
● Sỏi niệu quản di chuyển lên thận trong trường hợp mổ nội soi lấy sỏi thất bại
● Sử dụng kết hợp trong tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ để lấy sách sỏi ở những vị trí khó
Tán sỏi ống mềm giúp người bệnh giữ được chức năng thận tối đa, không đau, không chảy máu, nhanh hồi phục. Người bệnh có thể xuất viện sau 1-2 ngày và sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
3. Quy trình tán sỏi ống mềm tại Bệnh viện E Trung Ương
Tán sỏi ống mềm là kỹ thuật được thực hiện thường quy tại bệnh viện E từ lâu nay. Trung bình mỗi tháng Khoa phẫu thuật thận tiết niệu & nam học Bệnh viện E Trung ương thực hiện kỹ thuật này khoảng 15-20 ca . Được sự quan tâm đầu tư từ phía lãnh đạo bệnh viện; hiện nay khoa Phẫu thuật thận tiết niệu & nam học Bệnh viện E đã triển khai thường quy hầu hết các kỹ thuật về tiết niệu mà Việt Nam và Thế giới thực hiện. Đặc biệt trong lĩnh vực can thiệp điều trị sỏi đường tiết niệu, khoa đã thực hiện các kỹ thuật như: Kỹ thuật tán sỏi thận bằng ống mềm; tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ; tán sỏi ngược dòng bằng Laser; nội soi lấy sỏi…
3.1 Trước phẫu thuật
Quá trình chuẩn bị trước phẫu thuật, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm thăm dò, xác định vị trí sỏi; cấu trúc đường bài xuất để có những phương hướng xử trí tốt nhất. Ngoài ra người bệnh sẽ được thực hiện cấy nước tiểu giữa dòng để xác định tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu; thường thì kết quả sẽ có sau 2-3 ngày, nếu kết quả âm tính thì người bệnh sẽ được lên lịch mổ. Trước ngày mổ; bệnh nhân và gia đình sẽ được các bác sĩ tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh; phương pháp can thiệp cũng như các vấn đề liên quan tới ca mổ; được hướng dẫn thụt tháo; chuẩn bị cho ca mổ.
Xem thêm: Quy trình tán sỏi thận ống mềm – Hội tiết niệu thận học Hoa Kỳ
Tâm lý và mong muốn của người bệnh
Tại Việt Nam, tâm lý người bệnh không muốn chờ đợi lâu; muốn giải quyết trong một thì mổ. Chính vì vậy, quy trình thực hiện tại bệnh viện E chúng tôi cũng tối ưu hóa theo điều kiện thực tế. Do chúng tôi thực hiện tất cả các kỹ thuật về sỏi tiết niệu, do đó chúng tôi có nhiều phương án cho người bệnh.
Thông thường chúng tôi sẽ tán sỏi ống mềm một thì; đối với những trường hợp không làm được một thì (do niệu quản quá hẹp; do niệu quản quá gấp góc…) thì chúng tôi có thể chuyển phương pháp tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ; hoặc chuyển đặt JJ chờ tán sỏi ống mềm thì 2. Các lựa chọn sẽ được linh hoạt, tối ưu với từng bệnh nhân cụ thể, điều đó giúp mang lại lợi ích tối đa cho người bệnh.
3.2. Quá trình phẫu thuật
Phần lớn các bệnh nhân tán sỏi thận ống mềm tại Bệnh viện E được thực hiện tán sỏi ống mềm một thì.
Quy trình tán sỏi thận ống mềm tại Bệnh viện E thực hiện như sau:
Vô cảm:
- Người bệnh sẽ đươc thực hiện vô cảm bằng phương pháp gây mê toàn thân qua ống nội khí quản
Tư thế
- Tư thế: Người bệnh nằm ngửa, tư thế sản khoa
Phẫu thuật
- Bước 1: Sử dụng ống soi cứng, soi theo niệu đạo, bàng quang: Bước này nhằm đánh giá tình trạng niệu đạo, bàng quang. Ghi nhận những bất thường tại bàng quang; lỗ niệu quản 2 bên để xử trí. Tiếp theo, bác sĩ sẽ luồn guidewire – dây dẫn đường (một dụng cụ dẫn đường nhỏ, đường kính ~ 1 mm) lên lỗ niệu quản bên sỏi sau đó dùng máy soi nong niệu quản; hoặc nong niệu quản bằng bộ nong chuyên dụng hoặc bộ nong cải tiến.
- Bước 2: Đặt sheath đỡ niệu quản (sheath là một dụng cụ vỏ đỡ ống soi mềm; đây là kênh đỡ niệu quản, giúp nước ra – vào thuận lợi; giúp sỏi vụn ra dễ dàng; giúp thao tác ống soi mềm thuận lợi hơn). Tùy vào tình trạng niệu quản; nếu niệu quản quá hẹp; có thể chỉ đặt sheath ngắn đỡ đoạn niệu đạo hoặc không đặt được sheath; chỉ đặt máy trực tiếp.
- Bước 3: Sau khi đặt ống soi mềm vào niệu quản, bể thận; thám sát các đài thận, xác định nhanh vị trí sỏi; tiếp cận sỏi và tán vụn sỏi; xay bụi sỏi
- Bước 4: Bơm rưa sỏi vụn; sử dụng sonde plastic đặt theo sheath bơm sỏi vụn theo ra ngoài theo sheath.
- Bước 5: Rút sheath và đặt sonde JJ. Quá trình rút sheath là quá trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ, biến chứng. Không được vội vàng, không nên dùng lực quá mạnh vì có thể khiến niệu quản bị tổn thương, đựt niệu quản.
- Bước 6: Đặt sonde tiểu lưu và kết thúc quá trình phẫu thuật
3.3. Sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, người bệnh được đặt một ống sonde JJ từ thận xuống bàng quang và một ống sonde niệu đạo để dẫn lưu nước tiểu – ống sonde này sẽ được rút sau mổ 01 ngày. Sau đó bệnh nhân được theo dõi tại phòng hồi tỉnh 2-3h trước khi về khoa điều trị. Bệnh nhân được chụp kiểm tra tình trạng sỏi trong quá trình đón mổ từ phòng mổ về khoa điều trị hoặc được chụp kiểm tra vào sáng ngày hôm sau mổ.
Ngoài ra, bệnh nhân cần uống nhiều nước,đi tiểu ít nhất 2,5 lít mỗi ngày; điều này giúp tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân khỏe mạnh và hoàn toàn đủ sức khỏe để tiếp tục các hoạt động hàng ngày, ngày hôm sau của cuộc phẫu thuật họ có thể được xuất viện. Tuy nhiên, thông thường chúng tôi sẽ theo dõi bệnh nhân sau mổ 48-72h rồi mới cho xuất viện.
4. Những rủi ro, nguy cơ có thể có khi thực hiện tán sỏi ống mềm
Không thể phủ nhận, tán sỏi thận ống mềm là phương pháp can thiệp sỏi thận với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, bất kỳ phương pháp nào khi can thiệp cũng có thể có những rủi ro, những nguy cơ; phương pháp này cũng vậy. Một số rủi ro, nguy cơ có thể gặp khi thực hiện tán sỏi ống mềm như:
- Tổn thương niệu quản trong quá trình đặt sheath; rút sheath… nặng nhất có thể gặp trường hợp tổn thương đứt niệu quản; lột niêm mạc niệu quản
- Một số biểu hiện sau can thiệp như: Sốt, Đau hạ sườn bên sỏi, Nhiễm trùng tiết niệu, Bí tiểu cấp tính, trầy xước niệu quản, Đái máu thoáng qua, Nhiễm trùng huyết, Chấn thương thận…
5. Kết luận
Tán sỏi thận ống mềm là một phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả và khả thi với tỷ lệ thành công cao và biến chứng thấp hơn. Đây là phương pháp can thiệp sỏi tiết niệu không có vết mổ; không đau; không chảy máu; bảo tồn chức năng thận tối đa; nhanh hồi phục và sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, phương pháp chỉ thực sự tốt nếu được chỉ định đúng trường hợp và được thực hiện bởi bác sĩ có đủ kỹ thuật. Nếu kích thước của sỏi thận có đường kính trên 20 mm hoặc có nhiều viên sỏi nhỏ, tán sỏi ống mềm có thể không phải là lựa chọn phẫu thuật. Những trường hợp như vậy không phải là tình huống lý tưởng cho việc lựa chọn tán sỏi ống mềm và có thể được điều trị tốt hơn bằng một phương pháp khác: Tán sỏi nội soi qua da bằng đường hầm nhỏ.
Xem thêm:
Website Soitietnieu.com được xây dựng và quản lý bởi Bs Mai Văn Lực. Chúng tôi hỗ trợ khám và điều trị các bệnh lý Ngoại khoa tiết niệu tại các bệnh viện uy tín do các bác sĩ giỏi, giáo sư đầu ngành trực tiếp khám và điều trị.
Liên hệ: 0984 260 391 - 0886 999 115
Bác sĩ cho hỏi. Trường hợp điều trị nhiễm khuẩn bằng đường chít, xét nghiệm nước tiểu không còn vi khuẩn nhưng cất thì có mọc thêm. Nguyên nhân tại sao và có tiến hành tán sỏi bằng ống mềm dc k?