Tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng là sử dụng hệ thống ống soi đi theo đường bài xuất của hệ tiết niệu để tiếp cận sỏi và sử dụng các nguồn năng lượng (siêu âm, laser, cơ học) tán sỏi thành những mảnh nhỏ hơn, các mảnh sỏi nhỏ hơn có thể tự đi ra ngoài theo áp lực của dòng nước hoặc có thể dùng dụng cụ để gắp ra. Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi thận (tán sỏi nội soi ống mềm) là một phương pháp điều trị hiện đại, ít xâm lấn với nhiều ưu điểm, bệnh nhân có thời gian hậu phẫu ngắn, sớm xuất viện.
Bộ dụng cụ nội soi ống mềm
Trên thực tế có không ít trường hợp có thể dùng ống soi cứng hoặc ống bán cứng để tán sỏi trên thận, sỏi bể thận. Tuy nhiên về mặt chỉ định, các sỏi ở bể thận hoặc sỏi ở đài thận khi tán ngược dòng thì chúng ta cần sử dụng ống soi mềm. Trong bài viết này chúng tôi sử dụng thuật ngữ tán sỏi thận bằng ống soi mềm để thay thế cho cụm từ tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng.
I. Khi nào tán sỏi thận bằng nội soi ống mềm?
– Kích thước sỏi từ 1 – 2,5cm.
– Các trường hợp điều trị thất bại sau tán sỏi ngoài cơ thể.
– Sỏi thận sót sau khi tán sỏi ngoài cơ thể, sau phẫu thuật hoặc tái phát.
– Sỏi niệu quản trên di chuyển vào thận trong quá trình phẫu thuật lấy sỏi bằng đường sau phúc mạc.
II. Chống chỉ định khi tán sỏi thận bằng ống soi mềm
– Hẹp niệu đạo, niệu quản hay những dị dạng của thận niệu quản không đặt được ống soi.
– Bệnh nhân đang có nhiễm trùng đường tiết niệu.
– Kích thước sỏi > 3cm.
– Thận ứ nước nặng mất chức năng.
– Có các chống chỉ định về gây mê hồi sức.
III. Ưu điểm của tán sỏi thận bằng ống mềm.
– Phẫu thuật không đau, không có sẹo mổ.
– Bảo tồn tối đa chức năng thận.
– Quá trình hậu phẫu nhẹ nhàng, thời gian nằm viện sau phẫu thuật ngắn 1-2 ngày.
– Kỹ thuật không quá phức tạp.
IV. Chuẩn bị bệnh nhân khi tán sỏi thận bằng ống soi mềm
– Người bệnh được thăm khám và làm các xét nghiệm nhằm đánh giá tổng trạng trước mổ (tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, hóa sinh máu, đông máu cơ bản, điện tâm đồ, Xquang tim phổi…) cũng như các cận lâm sàng khác nhằm đánh giá tình trạng niệu quản, đài bể thận, nhu mô, chức năng thận và xác định vị trí, hình thái, kích thước của viên sỏi.
– Điều trị ổn định các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường…
– Khám tiền mê cho bệnh nhân, đồng thời giải thích các nguy cơ trong và sau phẫu thuật, ký cam kết phẫu thuật..
– Phẫu thuật thường kéo dài khoảng 1 tiếng.
Đưa ống soi mềm vào niệu đạo của bệnh nhân
V. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ nội soi tán sỏi thận ống mềm
– Bệnh nhân sau mổ cần được theo dõi toàn trạng, tình trạng bụng, số lượng, màu sắc nước tiểu nhằm phát hiện sớm các tổn thương niệu quản – đài bể thận, biến chứng chảy máu, nhiễm trùng sau mổ.
– Tập cho bệnh nhân ngồi dậy và đi lại sớm, tránh nằm lâu một chỗ.
– Cho bệnh nhân uống nhiều nước từ 2-3 lít/ngày.
– Chụp lại X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị sau mổ nhằm xác định tỷ lệ sạch sỏi.
– Rút sonde bàng quang sau 1-2 ngày và ra viện.
– Hẹn bệnh nhân tái khám sau 2-4 tuần đánh giá tỷ lệ sạch sỏi và xét rút sonde JJ (sonde nằm trong bể thận – niệu quản – bàng quang)
– Để hạn chế tái phát bệnh, người bệnh cần uống nhiều nước trong 1 ngày (khoảng 2 lít) và tái khám bác sĩ chuyên khoa 1 lần/năm.
– Do bệnh nhân vẫn phải lưu sonde JJ 2 tuần nên sẽ có một số biểu hiện bất thường trong thời gian này như tiểu buốt, tiểu đau, tiểu nhiều lần, có thể tiểu máu… Tuy nhiên người bệnh không cần quá lo lắng về những biểu hiện này cũng như không cần điều trị, chúng sẽ mất sau khi rút sonde JJ.
VI. Các tai biến và biến chứng có thể gặp khi nội soi tán sỏi thận bằng ống soi mềm
– Tổn thương niệu quản các mức độ khác nhau như: đụng dập, xước niêm mạc niệu quản; thủng niệu quản, rách niệu quản, bong hay lộn niêm mạc niệu quản, đứt niệu quản… các tai biến này xảy ra chủ yếu do can thiệp thô bạo. Các tổn thương này thường phát hiện ra trong khi tiến hành phẫu thuật hoặc có những trường hợp phát hiện muộn sau tán sỏi khi người bệnh có đau hông lưng, sốt, áp xe quanh thận.
– Sỏi bị đẩy ra ngoài thành niệu quản qua chỗ rách.
– Tắc niệu quản cấp tính do vụn sỏi, máu cục.
– Chảy máu sau tán sỏi.
– Nhiễm khuẩn tiết niệu.
– Hẹp niệu quản.
Ngày nay với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, phương pháp tán sỏi thận nội soi bằng ống soi mềm ngày càng được áp dụng rộng rãi, do đây là một kỹ thuật điều trị ít xâm lấn, bảo tồn tối đa chức năng thận, người bệnh không có sẹo mổ, nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên tán sỏi thận bằng nội soi ống mềm vẫn là một phương pháp điều trị có giá thành cao so với đa số các phương pháp điều trị khác.
Xem thêm:
Website Soitietnieu.com được xây dựng và quản lý bởi Bs Mai Văn Lực. Chúng tôi hỗ trợ khám và điều trị các bệnh lý Ngoại khoa tiết niệu tại các bệnh viện uy tín do các bác sĩ giỏi, giáo sư đầu ngành trực tiếp khám và điều trị.
Liên hệ: 0984 260 391 -
0886 999 115
Tôi ra viện sau tán sỏi tiết niệu ngược dòng vẫn đang đặt sonde JJ nhưng ngày thứ 5 sau khi nội soi tán sỏi đã quan hệ tình dục nhẹ nhàng với vợ tôi rồi và đều đặn cách 3, 4 ngày lại quan hệ nhẹ nhàng. Xin hỏi vậy có sao không. Tôi cảm thấy mọi sinh hoạt bình thường dù phải uống kháng sinh Cefpivoxil 400…Xin bác sỹ giỏi tư vấn. Cảm ơn.
Chào bạn! Sau tán sỏi nội soi ngược dòng thông thường bác sĩ sẽ đặt sonde JJ niệu quản bể thận trong 2-4 tuần rồi sẽ hẹn lịch đến khám lại và rút sonde. Trong thời gian về nhà bạn có thể sinh hoạt bình thường, nhẹ nhàng. Hạn chế vận động nhiều, uống nhiều nước. Bạn có thể quan hệ tình dục nhẹ nhàng được. Một số biểu hiện có thể gặp khi còn sonde JJ đó là cảm giác cộm vùng hạ vị, tiểu buốt, tiểu máu… Bạn chỉ cần nghỉ ngơi, uống đủ nước là triệu chứng sẽ giảm. Các triệu chứng này sẽ hết sau khi bạn rút sonde JJ.
Lưu ý về việc dự phòng tái phát sỏi bạn nhé. Bạn có thể đọc thêm các bài viết về dự phòng tái phát sỏi trên website. Nếu có các câu hỏi bạn có thể comment tại đây hoặc gọi qua số hotline 0886 999 115.
Tôi ra viện sau tán sỏi tiết niệu ngược dòng, nhưng khi mỗi lần đi tiểu thị bị đau thận và đường tiết niệu không chịu nổi, xin hỏi bác sĩ là lý do vì sao? Cảm ơn bác sĩ
Thông thường thì sau khi tán sỏi, các bác sĩ sẽ đặt một ống thông JJ trong cơ thể bạn. Ống sonde sẽ được rút sau 2-4 tuần. Trong thời gian lưu ống sonde có thể bạn sẽ bị tiết buốt cuối bãi, tiểu đau… dùng một ít thuốc và hạn chế đi lại nhiều, uống đủ nước là sẽ ổn thôi
Tôi muốn hỏi, khi rút sonde JJ, thì có cần phải gây tê tuỷ sống không?
Khi rút sonde JJ thì cần thao tác những gì? Cảm ơn bác sĩ.
Khi
Chào bạn. Thông thường thì rút JJ không cần phải gây tê tủy sống, chỉ cần dùng giảm đau tĩnh mạch, tê tại chỗ và rút tại phòng thủ thuật. Quá trình rút thường thì đơn giản và rất ít đau. Rút xong có thể về ngay. Trường hợp sonde JJ khó (JJ thận ghép; JJ trên bệnh nhân có hẹp niệu đạo; JJ cuộn góc; JJ có sỏi bám nhiều…) thì có thể phải gây tê tủy sống và rút tại phòng mổ. Trước khi rút JJ bác sĩ sẽ cho bạn chụp X-quang hệ tiết niệu và siêu âm hệ tiết niệu để kiểm tra tình trạng sonde…
Chào bs e mổ tán sỏi ngược dòng dk 10 ngày mỗi lần đi tiểu đau quặn và ra máu tình trạng đó có xao ko bs
Của bạn có thể là do còn ống Sande JJ gây nên thôi. Bạn có thể nghỉ ngơi, hạn chế vận động nhiều, uống đủ nước thì triệu chứng sẽ giảm thôi bạn nhé.
Chao bs , tôi vừa làm tán sỏi dc 10 ngày đi tiểu thấy dau buốt , tôi có uống thuốc kháng sinh , nhung hết thuốc tôi lại bị đi tiểu đau, không biết tôi co bi nhiễm trùng không?
Có thể do bạn còn Sande JJ nên bị vậy. Bạn cần uống nhiều nước, hạn chế vận động nhiều – đến hẹn rút Sande JJ là ổn bạn nhé.
Bs cho tôi hỏi chồng tôi tán sỏi ngược dòng được 14 hôm nhưng lại bị đau và bí tiểu mỗi lần đi chỉ được vài giọt có sao không? Tình trạng bí tiểu tiểu són gần 1 ngày rồi. Cám ơn bs
Có thể là do còn Sande JJ, chồng bạn đi lại nhiều gây kích thích hay buồn tiểu, cứ đi liên tục nên cảm giác bí tiểu, cảm giác đau buốt khi đi tiểu.. Uống nhiều nước, hạn chế vận động nhiều và dùng một ít thuốc giảm kích thích Sande là sẽ ổn thôi